image banner
1800 1260 - 1800 1261
VNPT-IT tổ chức Hội thảo Thay đổi diện mạo và năng lực chuyển đổi số cho ngành Công Thương
Lượt xem: 872

Chiều 23-8, tại TP. Thủ Dầu Một, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương tổ chức Hội thảo "Hành trình thay đổi diện mạo, năng lực chuyển đổi số (CĐS) ngành Công Thương". 

Tham dự có bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương; bà Nguyễn Trường Nhật Phượng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng hơn 200 khách mời là đại diện Bộ Công Thương; lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Thông tin Truyền thông của 23 tỉnh, thành phố.

Anh-tin-bai

Bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát biểu tại Hội thảo

 

Hội thảo đã chia sẻ góc nhìn đa chiều và cách tiếp cận mới về CĐS cho ngành Công Thương. Các diễn giả, chuyên gia đã trình bày, giới thiệu các xu hướng, giải pháp ứng dụng trong CĐS có tính ứng dụng cao và các biện pháp bảo mật thông tin, dữ liệu trong ngành Công Thương.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Huy Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin (VNPT-IT), thành viên VNPT nhấn mạnh, CĐS là xu hướng tất yếu của thời đại, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, trong đó CĐS ngành Công Thương đóng vai trò quan trọng trong việc hướng tới xây dựng đô thị thông minh, kinh tế số. Thực hiện CĐS ngành Công Thương sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc cải cách hành chính và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp và thương mại của các địa phương trên cả nước.

Anh-tin-bai
 

Ông Phạm Huy Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin (VNPT-IT) phát biểu tại hội thảo.

 

Thời gian qua, VNPT đã, đang tiếp tục nghiên cứu và xây dựng bộ giải pháp CĐS trong các lĩnh vực chuyên ngành, trong đó có ngành Công Thương. Bên cạnh đó, VNPT cũng nhận thức rất rõ phải đưa vào các công nghệ mới AI 4.0 để xây dựng công cụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành một cách toàn diện nhất (như các hệ thống báo cáo động, trợ lý AI, SmartBot, SmartVoic,…). Đồng thời cũng cần đảm bảo các giải pháp kỹ thuật về an toàn thông tin để bảo vệ toàn vẹn các hệ thống công nghệ thông tin và dữ liệu chuyên ngành.

 

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Trường Thi - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cho biết, tại thời điểm khảo sát ban đầu, công tác quản lý dữ liệu ngành còn khá thủ công, chưa ứng dụng CĐS. Dữ liệu lưu trữ ở nhiều nơi, rời rạc và quản lý thông tin hồ sơ giấy, lưu trữ thủ công; các thống kê, báo cáo phải tổng hợp bằng nhân công. Đặc biệt thông tin hoạt động của doanh nghiệp chưa được quản lý đầy đủ và triệt để, khó khăn trong công tác tổng hợp, báo cáo.

 

Sở Công Thương đã thực hiện giai đoạn 1 của công tác CĐS. Việc triển khai hệ thống trong giai đoạn 1 đã đạt được ngay các hiệu quả ban đầu như: Số hóa, quản lý lưu trữ dữ liệu của hơn 50 lớp dữ liệu hiện trạng của các phòng chuyên môn(cửa hàng xăng dầu, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp hoạt động hóa chất, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, khu/cụm công nghiệp,…). Cùng với đó là khoảng 46 bảng dữ liệu thông tin biến động của doanh nghiệp (thông tin sự cố theo thời gian, trang thiết bị ứng phó sự cố, thông tin kho chứa, thông tin doanh thu theo năm,...). Dữ liệu ngành Công Thương cũng được tích hợp lên trung tâm IOC tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về xu hướng CĐS ngành Công Thương trên thế giới và Việt Nam; chiến lược của VNPT trong xây dựng dữ liệu gắn với thúc đẩy kinh tế theo thế mạnh của địa phương cũng như việc hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm - dịch vụ đáp ứng các nhu cầu CĐS của ngành Công Thương trong thời gian tới…

Kết nối